Xuất khẩu lao động mang lại rất nhiều lợi ích. Một trong những thị trường “đắt khách” nhất là xuất khẩu lao động Nhật Bản. Nhưng xuất khẩu lao động nói chung và xuất khẩu Nhật Bản nói riêng liệu có thực sự toàn những thuận lợi, dễ dàng. Người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài có phải chịu những khó khăn, áp lực gì?
Xuất khẩu lao động Nhật Bản – Nước mắt sau những chuyến đi
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà xuất khẩu lao động mang lại như: thu nhập cao, cơ hội định cư nước ngoài, nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, tương lại rộng mở,…
Trong bài viết này, TokuteiGino xin phép không đề cập tới những thuận lợi đó. Tạm thời bỏ qua những quảng cáo với những lời có cánh như: tiết kiệm 500 – 700 tr chỉ sau 3 năm, hoàn vốn sau 2 tháng làm việc, bảo lãnh người thân, định cư nước ngoài. Chúng ta hãy cùng nhìn một khía cạnh khác của XKLĐ, khía cạnh được ít người nhắc tới hơn, đó là những khó khăn mà người lao động sẽ phải đổi mặt và vượt qua khi làm việc tại Nhật Bản.
Đồng tiền đè nén đến nghẹt thở
Tổng chi phí để một người đi xuất khẩu lao động Nhật Bản có thể lên tới hàng trăm triệu. Với 1 gia đình có điều kiện thì đây không phải là con số quá lớn nhưng nó cũng là nỗi lo chính đáng của nhiều gia đình. Và cũng thật buồn khi phần đa những người đi XKLĐ là những người không mấy điều kiện. Với ước mơ đổi đời họ vẫn sẵn sàng đánh đổi vay lãi, cắm sổ đỏ, bán trâu,… để người thân có đủ tiền đi Nhật.
Vậy là, ngay từ khi bạn chưa kịp đặt chân tới Nhật, một khoản nợ to đùng đã “nằm trên lưng” bạn. Kể cả khi bạn may mắn, gia đình không phải lâm vào cảnh nợ nần, vay mượn để có đủ chi phí thì bạn vẫn cần phải kiếm được ít nhất bằng số tiền ban đầu bỏ ra.
Nhưng chưa hết, không ai đi XKLĐ Nhật chỉ với mục đích đủ tiền chi phí ban đầu cả. Mục đích của hầu hết mọi người sẽ là tích góp được một số vốn sau khi về nước hay mua đất, xây nhà. Và cơn ác mộng bắt đầu.
Đúng là làm việc tại Nhật, mọi quyền lợi, công việc sẽ được đảm bảo đúng theo hợp đồng đã ký kết với công ty tuyển dụng. Nhưng nếu chỉ chờ vào lương cơ bản sẽ rất khó để đạt được mục đích như trên, mà bạn phải làm thêm, tăng ca, thậm chí có những người làm đến 2, 3 công việc một lúc với mong muốn kiếm được nhiều tiền nhất có thể.
Mặt khác, thu nhập ở Nhật đúng là rất tốt, nhưng thu nhập cao cũng đồng nghĩa với chi phí cao. Theo khảo sát “MyExpatriate Market Pay” của công ty dữ liệu ECA International cho thấy Nhật Bản đắt đỏ nhất châu Á, thứ 2 thế giới với người lao động nước ngoài.
Thế nên, hầu hết những lao động Việt Nam sẽ phải làm việc hết công suất và cũng tiết kiệm tối đa.
Việc làm việc với cường độ cao trong thời gian dài cộng với áp lực tài chính luôn đè nén, cơ thể lại không được bồi bổ năng lượng hợp lý. Thậm chí nhiều người lựa chọn chỉ ăn mỳ gói, các sản phẩm hết hạn sử dụng tại siêu thị đã khiến cơ thể suy nhược, kiệt sức,… Nhưng họ cũng đâu dám bỏ cuộc, một phần vì viện phí tại Nhật rất cao, một phần nếu họ dừng lại ai sẽ là người trả các khoản nợ, người nhà ở Việt Nam đang trông mong rất nhiều,…
Tình trạng này không chỉ diễn ra với những lao động nước ngoài tại Nhật Bản mà chính người Nhật cũng là nạn nhân. Nhật Bản có một từ riêng để chỉ tình trạng này: “Karoshi” có nghĩa là làm việc đến chết. Năm 2022 đã có 2.968 người ở Nhật Bản đã chết vì các vụ tự tử do karoshi gây ra.
Gia đình ly tán
Nếu bạn còn đang độc thân, hay cả 2 vợ chồng cùng đi xuất khẩu lao động Nhật Bản có lẽ đó là 1 điều may mắn. Ở trường hợp ngược lại, khi bạn đã có gia đình nhưng chỉ có 1 người đi XKLĐ vấn đề sẽ xảy ra. Khi 1 mình ở nước ngoài nỗi cô đơn là rất lớn. Cộng thêm áp lực từ kinh tế, sự khác biệt văn hóa, xung quanh là những người xa lạ, có lối sống khác biệt, rào cản ngôn ngữ. Một người dù mạnh mẽ đến đâu cũng dần trở nên yếu đuối. Nhu cầu tìm người sẻ chia sẽ lớn dần lên.
Ngược lại, người ở nhà lúc này lại có cuộc sống khá thoải mái. Với nguồn tiền cố định bạn gửi về hàng tháng tất nhiên đời sống sẽ được cải thiện rất nhiều. Thậm chí nhiều người có sẵn tiền trong tay sẽ sinh ra ăn chơi, đua đòi. Con cái nếu không được giáo dục đúng đắn dễ trở thành các “cậu ấm, cô chiêu”, sa ngã vào các tệ nạn của xã hội.
Một thực tế đáng buồn là trường hợp này không hề hiếm gặp, thậm chí xảy ra phổ biến tại các gia đình có 1 người vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động.
Có lẽ, câu hỏi dễ gặp nhất trong trường hợp này sẽ là: kiếm tiền để làm gì, cố gắng vì điều gì?
Sự kỳ thị của người Nhật đối với lao động Việt Nam
Không phải toàn bộ, nhưng một bộ phận người Nhật Bản có cái nhìn không mấy thiện cảm dành cho người Việt Nam là sự thật. Và cũng thật buồn khi nguyên nhân một phần lớn là do chính người Việt tạo nên.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Nhật Bản, số người Việt Nam bị bắt, gần gấp đôi người Hàn Quốc, gấp đôi người Philippin, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Trong số các vụ phạm tội của người Việt, có đến 68% là trộm cắp.
Một tấm biển tiếng Việt cấm hành vi ăn cắp được dán ở một cửa hàng tại Nhật đã gây xôn xao mạng xã hội một thời gian qua, đã phần nào phản ánh hiện tượng người Việt trộm cắp tại Nhật Bản.
Giờ giấc cũng là một vấn đề đáng lên án. Người Nhật luôn coi trọng giờ giấc, họ không bao giờ sai hẹn. Nhưng giờ giấc với người Việt rất “cao su”. Nhiều lao động không tuân thủ đúng giờ giấc khi đi làm hoặc các cuộc hẹn thường đến muộn hơn quy định.
Tác phong làm việc của người Việt cũng cần thay đổi nhiều. Người Nhật luôn dồn hết tâm sức, tập trung cao độ cho công việc, làm ra làm, chơi ra chơi. Nhưng một bộ phận lao động người Việt làm việc tại Nhật vẫn giữ thói quen vừa làm vừa chơi, hiệu quả làm việc không cao.
Đối mặt với thiên tai
Nhật Bản là quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ, động đất và núi lửa. Chịu 11,9% thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn thế giới.
Việc thường xuyên đối mặt với thiên tai tiềm ẩn các rủi ro to lớn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Sống ở Nhật bạn buộc phải tìm cách sống chung với các thiên tai đó.